Kill Bill - Kiếm, con muỗi và máu
Đạo diễn: Quentin Tarantino
Năm sản xuất: 2003 - 2004
Thể loại: Võ thuật, hành động, tội phạm, giật gân
Độ dài phim: Phần một - 111 phút; Phần hai - 137 phút
“I was five and he was six
We rode on horses made of sticks
He wore black and I wore white
He would always win the fight
Bang bang he shot me down. Bang bang I hit the ground.
Bang bang that awful sound. Bang bang my baby shot me down.”
Nếu có một danh sách tác phẩm tôi mong muốn mọi người xem, thì có lẽ hai phần Kill Bill của Quentin không nằm trong danh sách ấy. Bạo lực quá mức, đẫm máu một cách chân thực, súng đạn, cắt thịt da… Điều gì thúc đẩy một con người lại chọn tác phẩm như này để thưởng thức cơ chứ?
Kill Bill là chuỗi hai bộ phim kể câu chuyện về một cựu nữ sát thủ không tên, thường gọi là The Bride (cô dâu, Uma Thurman thủ vai), sau bốn năm sống thực vật đã tỉnh giấc và lên đường trả thù tình cũ - Bill - người đã cố ám sát vào ngày cưới của cô, đẩy cô vào bi kịch của mình.
Sau cảnh mở đầu ấn tượng được quay trắng đen, với hình ảnh The Bride nằm trên sàn, đầy vết máu loang lổ, tiếng thở dốc nặng nề cùng lời thoại của nhân vật Bill, kết thúc bằng một âm thanh súng nổ đột ngột. Người xem như được dẫn dắt vào câu chuyện, với nhạc nền là giọng ca đầy dịu dàng có phần rùng rợn của Nancy Sinatra đang thể hiện ca khúc “My Baby Shot Me Down” của Cher. Lời bài hát “Bang Bang that awful sound / Bang Bang my baby shot me down” cùng tiếng reo dây (tremolo) guitar như thì thầm vào tai người xem cảm giác bất an, sự tự vấn trước câu hỏi vì sao cô gái bị bắn, chuyện gì đã xảy ra và điều gì sẽ tiếp bước.. Bước chuẩn bị này đột ngột bị chuyển dịch sau đó, khi giờ đây bộ phim được quay với đầy đủ màu sắc, có phần rực lên ở các mảng màu xanh và vàng. Sự tương phản giữa hai phân cảnh trở nên dịu dàng bởi cái quẩn quanh mà bài nhạc còn đang vướng lại tâm trí người nghe.
Hay ở phân cảnh cuối, tại trận chiến cùng với O-Ren Ishii, giai điệu bài nhạc “Don’t Let Me Misunderstood” của Santa Esmeralda được phối trên nền giai điệu disco hơi hướng latin, vốn có gốc từ bản blues cùng tên của Nina Simone như bắt nhịp với chuyển động của O-Ren. Sự sôi động của phần lạc nhịp khỏi bối cảnh ấy thể hiện được tinh thần sáng tạo của Quentin và dường như có một sự đồng nhất trong cách sắp xếp âm nhạc, bởi cũng trước đó, ca khúc “Woo Hoo” được thể hiện bởi chính nhóm The 5. 6. 7. 8’s cũng là một sự lạc nhịp so với mạch trả thù nghiêm túc của The Bride. Sự lệch nhịp này của các giai điệu chính là cách mà Quentin thể hiện vị thế chủ động của nhân vật phản diện, khi The Bride vốn đã không có lợi thế trước O-Ren rất nhiều lần. Niềm tin này càng được củng cố ở trung điểm của trận chiến, khi O-Ren đã chém vào lưng của The Bride một nhát, thì bài nhạc cũng chấm dứt. Đây cũng là bước chuyển trong vị thế của trận chiến, khi The Bride giành lại được sự chủ động trước O-Ren, để đến khi gần nửa đầu của O-Ren rơi xuống lớp tuyết dưới nền, bản nhạc “The Flower of Carnage” của Meiko Kaji vang lên, bài nhạc là lời tự sự của một người phụ nữ đã cạn dần đi lòng trắc ẩn yêu thương, chỉ còn sót lại sự oán hận và mong muốn trả thù. Vì thế, bài nhạc như một bản thánh ca mừng sự bắt đầu hành trình trả thù của The Bride.
Quentin ngoài sử dụng âm nhạc như một sự chỉ dấu cho vị thế hành động, hay chuyển biến tâm lý của nhân vật, thì còn sắp xếp nó như một motif thú vị. Mỗi khi The Bride bắt gặp một kẻ thù của mình, âm thanh báo động từ “Ironside” của Quincy Jones vang lên. Sự ồn ào kết hợp với các hình ảnh được áp một lớp filter ánh đỏ, nâu và vàng cùng các góc zoom cận vào gương mặt của kẻ thù, chồng lên ánh nhìn chết chóc của The Bride như một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đổ máu sẽ xảy ra. Nếu ai đã từng nghe lấy bài hát của Quincy, đều không khỏi buồn cười khi nhận ra, phần còn lại của bài nhạc thực tế rất nhẹ nhàng, như bản chất của một bài jazz, chứ không phải các nốt còi báo động ám ảnh áp vào tai người xem phim như của Quentin.
Với bản chất các tác phẩm trước đó (và sau này) của Quentin, không phải đắn đo trong việc phân định tệp người xem. Rằng, với những khán giả dưới 18 tuổi, và càng là những khán giả không chịu được hình ảnh bạo lực quá mức, máu me hay hành động giết người, Kill Bill dường như là thứ cần phải tránh xa. Tuy nhiên, là một sáng tạo phẩm xuất sắc, ta không thể không dành lời khen và sự biểu dương cho những sáng tạo về nhiều mặt của tác phẩm, sự phá cách của đạo diễn hay cách sử dụng âm thanh và nhạc nền trong bộ phim.